This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Bí mật của người giàu có để khởi nghiệp từ con số 0?

Bạn, với mong ước cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, suy nghĩ mình quyết tâm làm giàu, nhưng tất cả trong hiện tại đều là con số không tròn trĩnh. Bạn chớ vội buồn, vì xem ra để bắt đầu, bạn vẫn còn may mắn là có thêm một cách để khởi đầu từ chính nó, con số 0 đẹp đẽ, tròn đầy và hoàn hảo đấy! Vì sao tôi lại cho rằng như thế? Và bạn có muốn tôi chứng minh không?

Theo cách ta vẫn thường nghĩ, thậm chí đang làm và sẽ còn làm, khi khởi nghiệp, chúng ta cần phải có vốn để làm gì? Chúng ta sẽ:
+ Thuê mặt bằng
+ Thuê nhân sự
+ Lập văn phòng
+ Mua hàng hóa tồn trữ
và thêm hầm bà lằng những chi phí linh tinh khác nữa, có đúng vậy không? Như vậy, trước khi hàng hóa từ doanh nghiệp được lưu thông đến tay người tiêu dùng, bạn đã phải đầu tư vốn liếng trước rồi, vậy có phải đứng về góc độ toán học, bạn đã khởi nghiệp với con số âm (-). 

Chưa kể đến vấn đề của việc duy trì phong độ của doanh nghiệp trong thời gian kế tiếp để làm sao số vốn của bạn có thể đạt về mức con số 0, huề vốn! Lúc này, hãy tưởng tượng giống như chúng ta chơi trò chơi kéo co, mà lúc mới bắt đầu thôi, bạn đã nhường đối thủ một khoảng khá xa, khi đối thủ kéo chúng ta dần vượt phía mức vạch quy định, vậy là chúng ta đã thua, lúc đó chúng ta phải cố gắng hết sức để giật lấy sợi dây kéo họ về phía mình, ạch ạch. Giả sử chúng ta đủ kỹ năng, căng hết sức lực để lôi đối thủ trở về mức vạch, vậy là có thể xem như bắt đầu lại từ lúc khởi đầu, con số 0, thì bây giờ, bạn đã mệt bở hơi tai, phì phò muốn nghỉ ngơi rồi. Còn muốn tất thắng, hix, lúc này mới là giai đoạn mới của cuộc chiến đấu. Trên đà thắng thế, một là bạn dồn hết tâm sức kéo giật đối thủ về phía mình, hai là buông nghỉ một chút. Nhưng chỉ cần bạn buông lỏng một giây phút, vậy là đối thủ lại tiếp tục khiến bạn căng đầu óc khi giật bạn về phía kia. Ôi chao sao mà cực khổ! Vậy tính ra, trong cuộc chơi này, người  thiệt thòi là bạn mà thôi!

Thực ra, chính xác đó là những gì tôi đã trải qua. Và khi tôi được nghe lại những lời đó từ một người đã thành công, thì cảm xúc đó trong tôi càng rõ rệt. Đó chính là anh Nguyễn Thái Duy, giám đốc công ty Be Training. Và sau đó, còn rất nhiều điều mà tôi đã nghe và thấm thía trong toàn bộ nội dung buổi học mang chủ đề: Tại sao bạn chưa giàu? được tổ chức vào hôm nay. 

Buổi học cho tôi cái nhìn tổng thể về một từ mà ai cũng nghĩ đến trong ngày, một lĩnh vực mà ai cũng muốn biết để khám phá, một lời nói cửa miệng của hầu hết mọi tín đồ công nghệ thông tin. Bạn đoán được chưa? Kính thưa, nó là từ INTERNET đấy ạ!

Chúng ta thường hay nhìn Internet với một vài tính năng rất đơn giản, tìm kiếm, đọc báo mạng, chơi game, nghe nhạc, check mail. Và thực tế khi ngồi trên máy tính, như trường hợp của tôi, sau một giờ đồng hồ, khi đứng dậy, đầu óc trống rỗng, mắt mũi hoa lên không biết mình vừa làm gì, mình đã làm điều gì thực sự có ích trong thời gian vừa rồi, có bao nhiêu thông tin thực sự hữu ích và đáng nhớ được lưu lại trong bộ óc vĩ đại của tôi đây...hix! Thế thì có phải chúng ta đã lãng phí thời gian của chính mình không ạ, mà đó chính là vàng, là tiền bạc của mình thôi chứ đâu phải của ai khác nữa chứ? Thêm một câu hỏi nữa, tôi hay bạn, liệu đã biết cách TIÊU TIỀN THỜI GIAN hay chưa?

Chính vì vậy, nội dung của buổi học này cho tôi, một người luôn tự hào mình dưới cái mác của là một "Dân IT" thêm một cái nhìn rộng lớn và đầy tiềm năng, cơ hội. Tôi khá sốc khi buộc phải tự nhìn nhận rằng, té ra từ lâu rồi, cái mình biết về internet không là gì cả, ngốc zã man!

Cũng may cơ hội thần kỳ đến để tôi có dịp sửa chữa sai lầm của mình, chứ nếu không, có lẽ 5 hay 10 năm sau thì chắc muộn mất thôi! Vì sao, vì tôi khám phá ra rằng, đến với Internet, tôi có cơ hội biết thêm những cách để sản sinh ra lợi nhuận, mà trước mắt chính là một lĩnh vực rất rộng lớn và hấp dẫn: INTERNET MARKETING. Đây là lĩnh vực còn khá non trẻ tại Việt Nam, tuy nhiên không mới trên toàn cầu. Chính vì vậy, chúng đã mở ra cơ hội cho tôi một cách khởi nguồn từ con số 0, rồi đi đến đích mà không mất nhiều chi phí đầu tư. Mà từ con số không đến con số dương thì dễ dàng hơn rất nhiều, phải không các bạn?

Buổi này có thể được xem như là một buổi pre cho khóa học kế tiếp là SID, khóa học mà tôi và một anh bạn thân đã định học từ trước. Xem ra định hướng về những dự án sắp tới của tôi với đối tác là những người bạn đã thành công, một số công ty có tiếng tăm trên thị trường trong nhiều lĩnh vực đã có hướng mở khá tốt, có thể xem như đó là những định hướng khá đúng đắn trong kế hoạch 5 năm của tôi!

Trên thực tế, đó là cảm nhận của tôi về phương pháp mới, để minh chứng một cách thuyết phục hơn cho các bạn tin tưởng, tôi còn một việc nữa phải làm đó chính là việc triển khai những mình mình đã, sắp học học và đạt được kết quả. Tôi luôn tin tưởng phía sau luôn sẽ có sự dõi theo và ủng hộ của các bạn yêu mến tôi! Chắc các bạn cũng muốn tôi chứng minh điều mình đã nói một cách tối ưu, đúng không? Và các bạn có muốn tôi chỉ lại cách đơn giản đó cho các bạn không nào?

Phần sau, khi đã học xong những khóa học trong lĩnh vực Internet Marketing, tôi sẽ có những bài viết chia sẻ về chúng, hi vọng nhận được sự quan tâm của các bạn!


Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Làm giàu, ai bảo không khó?

Thế giới có biết bao tỷ phú chật vật với con đường khởi nghiệp, thất bại ê chề và có lúc trắng tay. Nhiều doanh nhân không có đêm ngon giấc, và có lúc họ gần như phát điên. Như vậy, ai bảo làm giàu là không khó?

Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng - Thái Hà Books
Tôi trăn trở nhiều khi viết bài này. Ngay chỉ cái tên thôi cũng làm tôi suy nghĩ nhiều. Nên đặt là “Làm giàu rất khó” hay “Làm giàu không hề dễ”. Đặt thế nào để toát lên ý mình định nói, để tránh hiểu lầm. Tôi viết bài này bởi đã được nghe nhiều người nói, thuyết giảng rằng - làm giàu không khó.

Nếu coi ý kiến “làm giàu không khó” là lời khích lệ, là sự động viên, là cách để những người muốn làm giàu không bị nhụt chí thì tôi hoàn toàn đồng ý. Cần khuyến khích, cổ vũ các bạn trẻ và những ai chưa giàu có làm giàu một cách chính đáng. Còn chuyện để trở nên giàu có, thực sự giàu có, giàu có bằng chính trí tuệ, công sức của mình thì tôi thấy không hề dễ. Thậm chí là khó.


Tôi có đọc và nghiên cứu về cuộc đời cũng như cách và quá trình làm giàu của nhiều tỷ phú trên thế giới thì thấy rằng phần nhiều họ có xuất phát điểm không thuận lợi. Có nhiều người trong số họ khởi nghiệp khá vất vả. Họ trải qua nhiều thất bại. Họ đồng hành cùng biết bao thử thách. Không ít lần, họ trở thành người trắng tay. Không biết bao đêm, họ mất ngủ. Chẳng biết bao lần, họ gần như phát điên. Họ ngày đêm trăn trở với sự nghiệp, với việc làm giàu của mình. Và họ trở nên giàu có. Họ thật sự trân trọng những đồng tiền họ kiếm được. Họ biết rằng làm giàu là quá khó. Các doanh nhân Việt Nam cũng vậy. Những người giàu Việt Nam cũng rất cực nhọc để làm ra đồng tiền. Và, họ hiểu rằng làm giàu không hề dễ.

Tôi không bao giờ quên những đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được khi học lớp 4. Ông bà nội tôi ở quê nuôi lợn. Vào thời đó, người ta dùng phân chuồng để bón ruộng, mà phân chuồng hình thành từ rơm, rạ, cỏ và phân lợn. Sau khi được những chú lợn quần nát để rồi rơm, rạ, cỏ ngấm cùng những gì lợn thải ra trong nửa năm trời người nông dân có phân chuồng để bón ruộng. Một năm cấy 2 vụ lúa, tức một năm cần 2 mẻ phân chuồng.

Tôi đã nhận ra cơ hội này và đã “dành” được “hợp đồng” đầu đời của mình. Tôi đi cắt cỏ bán lại cho chính ông bà nội mình. Mỗi gánh cỏ được một hào. Đống cỏ cao ngất trước cửa chuồng lợn nhà ông bà nội tôi là kết quả của “hợp đồng” đáng nhớ này. Cũng nhờ sức lao động, sự cần cù chăm chỉ và sự “đàm phán” với ông bà nội mà tôi có đến cả chục đôla khi còn bé xíu. Để rủng rỉnh tiền mua bút mực, giấy vở, dụng cụ học tập và sách,… Nhà tôi khi đó nghèo lắm. Nghèo kiết xác - như người làng vẫn nói.

Tôi cũng không quên các năm từ lớp 4 đến lớp 7 mình đi cắt cỏ nuôi trâu và thực hiện “hợp đồng” với ông bà nội cùng “dụng cụ hành nghề” là đôi quang gánh phải buộc lên rất cao. Người tôi quá thấp để có thể sử dụng được đôi quang và chiếc đòn gánh của người lớn! Thời đó người ta chưa làm ra quanh gánh cho trẻ con. Tôi cũng chẳng bao giờ quên được những lần bị gió thổi bay xuống ruộng hay bờ đê bởi mình không đủ sức chống chọi với gió. Nhất là gió của những ngày giông tố bất ngờ.

Và có lẽ ngay khi mới học lớp 7 tôi đã có số tiền vài chục đồng, tương đương với cả vài chục đôla thời bây giờ. Những đồng tiền đã giúp tôi không phải xin tiền cha mẹ. Tôi thậm chí đã biết và có cơ hội trợ giúp cha mẹ mình trong miếng cơm, chén nước mỗi ngày. Cũng từ khi đó đến mãi bây giờ tôi không phải xin tiền bố mẹ nữa.

Một trăm đôla đầu tiên tôi tự mình kiếm được khi học dự bị tiếng Nga (chuẩn bị trở thành sinh viên năm thứ nhất đại học) khi học tại khoa Dự bị trường Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonosov. Khu ký túc xá chúng tôi ở khi đó là phố Svernhika, số nhà 19. Ngay năm dự bị này tôi đã có cơ hội cầm trên tay, có cơ hội sở hữu thật sự những đồng đôla thật. Câu chuyện là khi đó các bạn sinh viên nước ngoài, nhất là sinh viên da đen bán đôla Mỹ lấy rúp Nga để tiêu (3 rúp một đôla). Những người có nhu cầu mua lại với giá 3,3 rúp lấy 1 đôla. Lãi suất 10%. Quay vòng càng nhanh, lãi càng nhiều. Vốn không phải bỏ ra thì còn gì tốt hơn. Nhưng kiếm những đồng đôla đầu tiên đó cũng không dễ. Tổn hại nơ ron thần kinh. Mất thời gian. Nguy hiểm. Rủi ro. Và tôi biết ngay từ khi đó rằng làm giàu không dễ.

Cùng trong năm dự bị tiếng Nga tại thủ đô của Liên Xô những năm 80 của thế kỷ trước tôi được sở hữu 1.000 đôla đầu tiên. Thời đó đôla Mỹ bị cấm. Người Việt Nam (và cả người dân các nước xã hội chủ nghĩa) không được dùng đôla nói chi đến chuyện sở hữu. Chỉ có người các nước tây Âu, châu Phi, châu Mỹ… mới có quyền có và sử dụng ngoại tệ mạnh. Nếu bị phát hiện sở hữu hay sử dụng ngoại tệ mạnh có nguy cơ bị đuổi về nước.

1.000 đôla lúc đó tương đương với quãng 3.000 rúp là con số rất rất lớn đối với những ai chuẩn bị là sinh viên năm thứ nhất. Mà nó cũng là rất lớn đối với tất cả mọi người vì học bổng một tháng chỉ có 80 rúp, một chiếc bàn là chỉ có 7 rúp, một dây may xo để làm bếp điện chỉ có 25 xu, 1 cốc nước có ga chỉ là 1-3 xu mà thôi. Tiền giá trị vô cùng. Nhất là khi dùng tiền đó mua thuốc tây, mua đồ điện, áo bay gửi về Việt Nam.

Từ mốc 1.000 đôla lên mốc 10.000 đôla là cả một câu chuyện

Kiếm tiền và làm giàu ai đó tưởng dễ nhưng không hẳn như vậy. Người kinh doanh phải tính toán và lo đủ thứ. Phải tính được các rủi ro. Phải tự lên kế hoạch kinh doanh chi tiết. Phải có tư duy tổng thể. Phải quản lý được tiền. Phải quay vòng đồng tiền nhanh nhất. Mà thời đó có ai trong chúng tôi được học về quản trị kinh doanh, về bán hàng, về kiếm tiền đâu. Bao cấp mà. Nhất là lũ sinh viên ngu ngơ từ vùng quê nghèo xuất ngoại chúng tôi.

Một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời là tôi đã phải chứng kiến nỗi buồn tê tái: Mất 17.000 đôla trong khi tổng tài sản chỉ có 13.000. Tôi đã hầu như mất trí nhớ. Tôi đã hầu như phát điên. Tôi đã thất vọng và cảm thấy chán nản vô cùng. Tôi thấy cô đơn và bất lực. Và khi đó, tôi mới thấu hiểu ý nghĩa của 2 từ thiêng liêng này. Cô đơn và bất lực. Số tiền mất mát quá lớn. Lớn quá mức tưởng tượng của một cậu bé thời đó.

Một bài học cũng rút ra từ đó trong tôi rằng tư duy làm giàu là quan trọng nhất. Muốn giàu thì phải có tư duy làm giàu. Nếu có tư duy làm giàu rồi thì dù có mất trắng tay cũng bắt đầu lại từ đầu và làm giàu lại một cách nhanh chóng hơn và không quá đỗi khó khăn. Tư duy làm giàu là mấu chốt, là bắt đầu của mọi bắt đầu. Sau này có cơ hội đi Mỹ, đi Anh, đi Australia, đi Nhật,… tôi có mua mua được nhiều sách dạy làm giàu bằng đủ các thứ tiếng. Tôi đã đọc ngấu nghiến để học, để hiểu, để biết cách làm giàu một cách bài bản. Tôi cũng đã may mắn mua được cuốn “Think and grow rich” của Napoleon Hill. Ở đó tôi tìm thấy nhiều điểm giống tư duy của tôi ngày xưa. Cuốn sách trở thành cẩm nang, sách gối đầu giường của tôi ngay từ khi mua được. Đi đâu cũng thường mang theo. Để đọc. Để ngẫm. Để ứng dụng. (Và may mắn thay chúng tôi đã mua được bản quyền cuốn này và xuất bản ra tiếng Việt với cái tên “Think and grow rich - 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu”). Cuốn sách đã mang lại lợi lộc lớn cho rất nhiều doanh nhân, rất nhiều bạn bè tôi, rất người muốn và đang làm giàu (như chị Trang, giám đốc John Robert Powers, như anh Steve Gandy phó chủ tịch tập đoàn Metso…)

Cái mốc có 100.000 đôla rất đáng nhớ

Tôi không bao giờ quên rằng mình đã để nguyên cọc tiền còn nguyên đai nguyên kiện, nguyên serie, còn bọc nguyên trong bao ny lông trong suốt để ngắm. Tôi đã ngắm rất lâu. Tôi đã ngủ cùng cọc tiền nguyên đai này suốt một đêm và trải qua những phút giây sung sướng hiếm có. Sau này khi có nhiều tiền hơn, những cảm giác ngất ngây khi sở hữu và ngắm những đồng tiền không còn nữa. Hay nói đúng hơn là không thể bằng một phần của cái ngày đáng nhớ này.

Tôi nhớ rằng đã không biết bao nhiêu lần mình bị đói khi đang sở hữu một đống tiền. Đói vì nhiều khách hàng đến mua hàng. Mà toàn những lô hàng lớn, những hợp đồng “ngon”. Mình thì không muốn từ chối. Không muốn mất khách. Họ đến lấy hàng đúng vào lúc ăn trưa, ăn tối. Nhiều ngày đứt bữa. Nhiều hôm nhai cơm như nhai rơm, nhai trấu. Còn cảm giác gì nữa đâu.

Tôi không thể quên rằng đã bao lần nằm đói ở sân bay. Tiền có bao nhiêu đã mua hết hàng. Chỉ tính toán để có đủ tiền đi taxi, tiền thuê bốc vác. Nhưng máy bay chậm vì sương mù, vì tuyết rơi nhiều, vì sự cố kỹ thuật, vì trăm nghìn nguyên nhân khác. Biết vậy nhưng lần khác vẫn đói, vẫn không còn tiền để ăn - tham quá. Người kinh doanh luôn dùng tối đa số tiền, huy động tối đa tài chính để kiếm tiền, để xoay vòng. Để giàu nhanh. Để thật nhanh.

Người có tiền, sở hữu nhiều tiền nhưng phải chịu rét cắt da cắt thịt. Phải chịu cái nóng như thiêu như đốt. Phải chịu muỗi cắn, ong châm. Phải “ngấm” mồ hôi đầm đìa như tắm. Người có nhiều tiền nhưng nhiều khi cũng chẳng được hưởng thụ, được sướng, được làm người giàu.

Mỗi đồng tiền kiếm ra là những giọt mồ hôi. Những giọt mồ hôi không chỉ thấm trên quần, trên áo, trên tóc, trên da mà ngấm vào từng đồng tiền. Mồ hôi ngấm vào khi ta nhận, khi ta đếm. Mỗi đồng tiền kiếm ra là chứa đựng những nơ ron thần kinh bị hao tổn, những suy nghĩ và tính toán, những phương án và biện pháp. Nhiều khi người doanh nhân có tâm trạng hơn cả ngồi trên đống lửa. Nhiều khi doanh nhân gần như điên khùng, nhiều khi tưởng chừng không thể vượt qua. Nhất là khi khủng hoảng.

Mỗi đồng tiền kiếm ra là những vất vả, gian nan, những cực nhọc khó tưởng tượng. Bao đêm không ngủ. Bao sáng thức giấc khi cả thế giới đang ngủ ngon. Bao nhiêu ngày không nhìn thấy ánh mặt trời. Bao đêm thức chỉ nghe thấy tiếng tíc tắc của đồng hồ.

Bao doanh nhân chúng ta ăn trưa chỉ là cái bánh mỳ kẹp, là bát phở nguội, là đĩa cơm bình dân. Ngồi ăn ngay tại bàn làm việc. Bao doanh nhân phải ngủ gục trên bàn. Nhiều doanh nhân, tôi biết, qua đêm tại cơ quan. Chuyện nửa đêm mò về nhà khi cả nhà đã ngủ say là chuyện thường. Cá biệt, có những trường hợp cha con cả tuần không gặp nhau: cha về thì con đã ngủ. Con đi học sáng thì cha chưa tỉnh giấc.

Tôi viết bài này trong lúc đang triển khai chương trình “15 phút tư duy” giai đoạn 2 tại các trường đại học trên cả nước. Tôi muốn các em sinh viên thay đổi tư duy. Cần có tư duy đúng trong mọi phương diện, trên mọi lĩnh vực. Tư duy làm giàu. Tư duy thành công. Tư duy quản lý mới. Tư duy học và hành. Tư duy khởi nghiệp. Tư duy đọc sách siêu tốc…. Các trường đại học tại HN và TP HCM đã tổ chức và tôi đến để mong muốn giúp các em thay đổi tư duy. Ngay sáng nay là chương trình tư duy sáng tạo tại Đại học FPT TP HCM.

Từ hàng chục chương trình này, với hàng nghìn bạn sinh viên tham gia tôi nhận thấy rằng, các bạn trẻ ngày nay khát khao làm giàu. Quyết tâm làm giàu của thế hệ trẻ thật là mạnh mẽ. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các em sẽ thành công. Trong quá trình giảng dạy, thuyết giảng hay trao đổi, tôi nhận thấy sinh viên Việt Nam chúng ta nắm kiến thức kinh doanh cơ bản khá tốt. Các em rất thông minh, nhanh nhẹn, có nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, các em đang thiếu thực tế thương trường, ít va chạm. Các em chưa thật sự có những người “thầy” có kinh nghiệm và trải nghiệm. Hơn nữa có lẽ các em chưa có tư duy làm giàu thật sự đúng, khát khao làm giàu chân chính chưa thật sự mạnh. Tôi muốn các em học được nhiều hơn nữa từ những người đi trước: từ thành công và thất bại. Để các em rút ngắn thời gian, giảm bớt vấp ngã và trở nên giàu có nhanh hơn và bền vững. Tôi muốn các em hiểu rằng làm giàu không dễ nhưng hoàn toàn có thể. Muốn giàu có phải có tư duy của một người giàu. Muốn trở thành triệu phú phải có tư duy của triệu phú.

Làm giàu không dễ. Tuy nhiên làm giàu cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Cần phải làm giàu để giúp mình, giúp gia đình mình, giúp quê hương mình và giúp đất nước mình. Đất nước Việt Nam chúng ta sẽ trở nên giàu có khi có rất nhiều, rất nhiều doanh nhân, rất nhiều, rất nhiều người giàu.
Nguyễn Mạnh HùngChủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books 

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Tỷ phú thế giới thực nổi lên từ mạng xã hội ảo

Tỷ phú thế giới thực nổi lên từ mạng xã hội ảoThành công vang dội của Facebook đã giúp tạo ra thêm 6 tỷ phú mới trong Danh sách Tỷ phú 2011. Game Zynga và Groupon tạo thêm 2.

Năm nay, Facebook đã giúp tạo ra vài anh bạn rất giàu. Hồi tháng 1/2011, Goldman Sachs định giá trang mạng xã hội tư nhân đông đảo người sử dụng nhất hành tinh này ở mức 50 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Kéo theo đó, giá trị tài sản của nhà sáng lập Mark Zuckerberg tăng 238%, tăng mạnh nhất trong số những người giàu Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, có thêm 5 người kiếm được những núi tiền khổng lồ từ sự thành công vang dội của Facebook, tiêu biểu như nhà đồng sáng lập Dustin Moskovitz, Eduardo Saverin và Sean Parker. Cùng lúc đó, công ty game online Zynga và trang bán hàng nhóm trực tuyến Groupon cũng giúp tạo thành thêm 2 tỷ phú mới cho Hoa Kỳ là Mark Pincus và Eric Lefkofsky.
Sau đây là những tỷ phú thật bước ra từ MXH ảo. Một số người còn là tỷ phú trẻ nhất hành tinh.





1. Mark Zuckerberg
Hoa Kỳ
Giá trị tài sản: 13,5 tỷ USD
Công ty: Facebook
Gần đây nhất, Facebook đã góp phần lan rộng phong trào cách mạng và tạo thành các tổ chức cách mạng tại Tunisia, Ai Cập, Yemen và Libi. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng ngợi khen Facebook là ví dụ tiêu biểu của Sáng kiến Hoa Kỳ. Năm 2011, giá trị tài sản của Zuckerberg anh tăng 238%.




2. Eduardo Saverin
Hoa Kỳ
Giá trị tài sản: 1,6 tỷ USD
Công ty: Facebook
Từng cùng với Zuckerberg sáng lập Facebook tại trường Harvard, nhưng Saverin không lên California lập nghiệp, nên sau đó có nhiều bất hòa, kiện tụng với nhóm hiện điều hành Facebook. Kết quả hòa giải cuối cùng là anh nhận 5% cổ phần và có tên trong danh sách những nhà sáng lập Facebook. Saverin đang sống tại Singapore và đầu tư vào Qwiki.





3. Sean Parker
Hoa Kỳ
Giá trị tài sản: 1,6 tỷ USD
Công ty: Facebook
Từng là Chủ tịch Facebook, nhưng cổ phần anh nắm giữ dưới 3%. Năm 1999, ở tuổi 19, Parker đã sáng lập Napster, nhưng rồi thất bại và gia nhập Facebook năm 2004. Hiện anh đang làm đối tác quản lý tại Founders Fund, công ty đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư cho các doanh nghiệp kỹ thuật. Ngoài ra, anh còn đầu tư cho dịch vụ âm nhạc kỹ thuật số Spotify.





4. Dustin Moskovitz
Hoa Kỳ
Giá trị tài sản: 2,7 tỷ USD
Công ty: Facebook
Là tỷ phú trẻ nhất thế giới vì sinh sau Zuckerberg 8 ngày. Từng là bạn cùng phòng ký túc xa với Zuckerberg và là nhân viên thứ ba của Facebook. Cả hai đã bỏ học Harvard để đến California lập nghiệp. Moskovitz là giám đốc kỹ thuật đầu tiên của Facebook. Anh rời trang MXH lớn nhất thế giới năm 2008 để thành lập giấc mơ riêng là công ty phần mềm Asana.





5. Peter Thiel
Hoa Kỳ
Giá trị tài sản: 1,5 tỷ USD
Peter Thiel đồng sáng lập PayPal năm 1998, rồi bán cho Ebay năm 2002 với giá 1,5 tỷ USD và đem về cho cá nhân mình 60 triệu USD. Đến năm 2004, anh đầu tư 500.000 USD cho Facebook. Năm 2005, Thiel mở quỹ đầu tư hợp tác Clarium Capital tại New York, nhưng rồi phải dời công ty về California vì thua lỗ. Từ đỉnh 7,4 tỷ USD 2 năm trước, giá trị công ty rớt xuống còn 1,4 tỷ USD vào tháng 1/2011. Thiel đã bán gần hết cổ phần Facebook để gom tiền đầu tư vào các ngành rất lạ, liên quan đến việc: kéo dài tuổi thọ, lập vùng đất mới trên biển, thương mại ngoài vũ trụ, trí thông minh nhân tạo…





6. Yuri Milner
Nga
Giá trị tài sản: 1 tỷ USD
Công ty: Facebook; Groupon; Zynga
Nhà đầu tư intrenet chia tách Digital Sky Technologies thành hai phần là Mail.ru Group, chuyên về internet, và DST Global, quỹ đầu tư các công ty kỹ thuật. Năm 2009, anh đầu tư 200 triệu USD cho Facebook và khoản đầu tư này đã tăng giá trị gấp 5 lần.





7. Mark Pincus
Hoa Kỳ
Giá trị tài sản: 1 tỷ USD
Công ty: Zynga
Năm 2007, cử nhân trường Wharton và đại học kinh tế Harvard Business School sáng lập công ty game MXH Zynga (đặt tên từ chú cho bull yêu quý của mình). Ngày nay, công ty có giá trị từ 7 đến 10 tỷ USD. Thành công của Zynga gắn liền với Facebook FarmVille, FrontierVille và Mafia Wars. Game mới nhất của công ty là CityVille, thu hút 20 triệu người chơi mỗi ngày.





8. Eric Lefkofsky
Hoa Kỳ
Giá trị tài sản: 1 tỷ USD
Công ty: Groupon
Nhà đầu tư Chicago Eric Lefkofsky là người đồng sáng lập và hiện sở hữu 30% công ty tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử: Groupon, chuyên cung cấp sản phẩm và dịch vụ giảm giá khi đông người mua với số lượng lớn. Lefkofsky đã gặp nhà sáng lập Groupon là anh Andrew Mason tại công ty InnerWorkings và quyết định đầu tư 1 triệu USD cho một ý tưởng khởi nghiệp khác của Mason. Khi Mason điều hành Groupon, Lefkofsky tìm kiếm nhiều khoản đầu tư khác.



9. Yoshikazu Tanaka
Nhật Bản
Giá trị tài sản: 2,2 tỷ USD
Công ty: Gree
Từng làm việc cho hãng Sony, rồi làm cho tỷ phú Hiroshi Mikitani của trang mua sắm trực tuyến Rakuten trước khi thành lập trang MXH lớn nhất Nhật Bản Gree năm 2004.







10. Rupert Murdoch
Giá trị tài sản: 7,6 tỷ USD
Công ty: Myspace
Không phải mọi công ty MXH đều thành công. Có lời đồn Murdoch đang cố gắng bán MySpace thua lỗ mà ông đã mua với giá 580 triệu USD năm 2005. Tuy nhiên, cũng còn may là những “đứa con tinh thần” ngành truyền thông truyền thống của ông vẫn đang phát triển khỏe mạnh. Fox News kiếm 700 USD lợi nhuận năm 2010. Super Bowl trên Fox là chương trình TV được xem nhiều nhất lịch sử. Trang Wall Street Journal vẫn hùng mạnh, bất chấp nhiều đối thủ lao đao. 



Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Trương Đình Anh tiêu tiền và dạy con ra sao?

Trương Đình Anh tiêu tiền và dạy con ra sao?
Từ khi tay trắng đến khi có tiền, cách sống của tôi rất ít thay đổi. Khi bạn tự tay kiếm ra từng đồng tiền, bạn sẽ ít khi tiêu chúng một cách hoang phí.

Nếu có trong tay 1 triệu USD, bạn sẽ làm gì?

Trương Đình Anh viết trên blog của mình: Tôi cùng từng suy nghĩ rất nhiều khi tự đặt cho mình câu hỏi này. Lúc chưa có tiền, tôi nghĩ mình sẽ tậu nhà to, sẽ chơi "siêu xe", sẽ ăn tiêu thỏa thích.

Tôi vào đời rất sớm với hai bàn tay trắng. Tôi rời trường đại học nhưng không được nhận bằng vì "trốn học" nhiều quá. Tôi là một trong vài sinh viên hiếm hoi bị giữ bằng.

Tôi rời ngân hàng vào cuối năm 1993 và gia nhập FPT với mức lương 800.000 đồng/tháng tương đương 70 USD thời bấy giờ. Những năm đầu tiên ở FPT, tôi luôn sống trong tình trạng lương không đủ tiêu. Tôi may mắn là nhiều lần được lãnh đạo tăng lương, rồi nghe theo nhiều đề nghị của tôi và tôi tiếp tục phục vụ FPT.
Tôi có được 100 USD đầu tiên vào năm 1984, khi mới 14 tuổi. Tôi có được 100 ngàn USD đầu tiên vào năm 2001 nhưng không phải từ FPT. Tôi có được 1 triệu USD đầu tiên vào năm 2004 cũng không phải từ FPT.

 Ông Trương Đình Anh hiện đứng tên sở hữu hơn 826 nghìn cổ phiếu FPT, tươngứng giá trị thị trường là 46 tỷ đồng (hơn 2 triệu USD).
Cuối năm 2001, tôi đến Phú Mỹ Hưng (PMH), Quận 7, TP HCM. Tôi và bà xã tiến hành "đầu tư mạo hiểm" vào PMH, bỏ ngoài tai nhiều lời can ngăn. Là những người tiên phong, chúng tôi đã cầm đầu trong hầu hết các trào lưu đầu tư ở PMH.

Trong 12 năm, tôi đã thăng tiến từ một lập trình viên thành một Ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT. Kinh nghiệm của tôi là nắm thật chặt bất cứ cơ hội nào có được và đặt vào đây tất cả tâm huyết.

Tôi đầu tư vào FPT đầy hứng thú như khi đầu tư vào PMH. Tôi quan niệm những giá trị mà mình có được từ FPT là một quá trình tự nhiên khi đã đặt toàn bộ niềm tin và cả cuộc đời mình vào FPT.

Không dành cho các con sự khởi đầu xa xỉ


Từ khi tay trắng đến khi có tiền, cách sống của tôi rất ít thay đổi. Khi bạn tự tay kiếm ra từng đồng tiền, bạn sẽ ít khi tiêu chúng một cách hoang phí. Tôi cũng không định dành cho các con mình một sự khởi đầu “xa xỉ”. Tôi mong muốn các con mình được học hành đầy đủ và rồi tự tìm cho mình một con đường, để gắn bó lâu dài, trung thành như tôi đã từng trải nghiệm ở FPT.

Đối với gia đình tôi, 5% những gì chúng tôi có là hoàn toàn đủ để chúng tôi sống tốt. 5% nữa có thể giúp chúng tôi sống một cách thoải mái hơn. Vậy 90% còn lại, tôi có thể làm gì để cuộc sống của mình có ích hơn, phù hợp với những gì mình tâm huyết?

Tôi rất hâm mộ nhiều doanh nhân thành đạt đã dùng phần lớn thời gian và tài sản để phục vụ xã hội, chỉ có như vậy 90% tài sản kia mới được sử dụng một cách nhân bản, hiệu quả và có ích - thay vì cứ giữ chặt chúng ở trong két sắt hay trong ngân hàng.

Tôi dự kiến trong tương lai, khi rời khỏi việc điều hành doanh nghiệp sẽ quyên phần lớn tài sản của mình vào một Quỹ và dành toàn bộ thời gian để phát triển và phục vụ cho nhiều lợi ích xã hội.
Năm 1998, Đình Anh lấy vợ. Tám năm kể từ ngày cưới, vợ chồng Đình Anh liên tục “ra lò” tới 4 cậu con trai.

Điều khiến rất nhiều người ngạc nhiên là không hiểu lý do vì sao vợ của Trương Đình Anh, vốn là một phụ nữ có năng lực và năng động (trước khi lấy chồng là Thư ký Giám đốc của Mitsubishi Construction) lại chấp nhận ở nhà và chỉ... đẻ.

Thế nhưng, cũng rất ít người biết rằng, ngay sau khi hết việc tại công ty, Trương Đình Anh về thẳng nhà với vợ, chơi với con và gần như không giao du với ai sau giờ làm việc.

Bốn cậu con trai của Trương Đình Anh đều được đặt tên là Anh. Con trai lớn được đặt tên giống hệt bố là Trương Đình Anh, con trai thứ hai là Trương Quốc Anh, con trai thứ ba là Trương Vũ Anh, con út là Trương Hiếu Anh.

Giải thích về quyết định sinh con hàng loạt và đều mang tên Anh của 2 vợ chồng, Đình Anh nói: “Lên 10 tuổi bố mẹ tôi mới có thêm em bé, tuổi thơ của tôi khá buồn vì thiếu bạn chơi. Vì thế, tôi và vợ sinh nhiều con để chúng có bạn chơi với nhau. Chúng tôi đặt tên Anh cho con của mình với kỳ vọng chúng sẽ làm được những điều chúng tôi chưa thể hoàn thành”.

Nguồn: Thanh niên
 
Blog Trương Đình Anh

Triệu phú thế giới ảo khởi nghiệp với 9,95 USD

Triệu phú thế giới ảo khởi nghiệp với 9,95 USD
Khởi nghiệp với 9,95 USD, trong vòng 30 tháng, cô giáo người Đức gốc Hoa Ailin Graef đã nắm giữ tài sản đáng giá hàng triệu USD tiền thật nhờ kinh doanh bất động sản ảo trong trò chơi Second Life.


Cô nhanh chóng được biết đến với tên gọi Anshe Chung (cái tên cô dùng cho nhân vật trong game) và liên tục xuất hiện trên các tuần báo nổi tiếng như Business Week, Fortune, Red Herring…

Cơ hội Second Life


Second Life - http://www.secondlife.com/ - là một thế giới cấu hình ảo, nơi mọi người sử dụng những hộp thư tự tạo, tải hình ảnh lên mạng để tự giới thiệu và giao tiếp với người khác. Game này được xếp vào nhóm những trò chơi đa chức năng (MMORPGs - tiếng Anh viết tắt). Second Life có hệ thống kinh tế, tiền tệ riêng của mình và người chơi nhập vai vào các nhân vật ảo gọi là “avatar” để sinh hoạt trong thế giới đó. Họ có thể xây nhà, tìm việc làm, lập gia đình và tất nhiên là hoạt động kinh doanh kiếm lời.

Dựa trên thuyết vị lai Metaverse trong tiểu thuyết khoa học có tên Snow Crash của tác giả Neal Stephenson, Second Life muốn là nơi giải trí thật sự để người sử dụng có cơ hội kết hợp chơi và làm việc. Linden Lab - hãng sáng tạo ra Second Life - đã đáp ứng sở thích của giới doanh nhân với trang web này bằng hai cách.

Trước tiên là tiền Linden - loại tiền dùng riêng cho người chơi nhưng dễ dàng đổi ra tiền thật theo tỷ giá 1 USD tương đương khoảng 275 đồng Linden (đồng Linden cũng liên tục biến động theo thị truờng ảo). Thứ đến, Linden cho phép người chơi giữ lại bản quyền trò chơi họ đã tạo ra. Các thế giới ảo 3D như Second Life đang trở thành một phần rất thật trong đời sống con người. Trong mười năm tới, chúng sẽ tác động đến cách con người làm việc, giải trí và cả nhân dạng của chúng ta. Theo Philip Rosedale, người sáng lập và giám đốc điều hành Linden Lab, thì thế giới trên mạng tạo nên một phương tiện mới để thể hiện con người.

Triệu phú bất động sản thế giới ảo

Sinh ra và trưởng thành ở đất Trung Hoa, Ailin (sinh năm 1978) chuyển đến Frankfurt (Đức) cùng chồng là Guntram Graef vào cuối thập niên 1990 và trở thành giáo viên dạy ngoại ngữ. Cô thông thạo cả ba thứ tiếng Hoa, Đức và Anh.

Ailin tham gia Second Life vào tháng 3/2004 với khoản lệ phí 9,95 USD để trở thành công dân trong thế giới Second Life. Đây cũng là số tiền thật duy nhất mà cô đã chi cho đến khi trở thành triệu phú.

Tháng 6/2004, cô bắt đầu dùng số tiền tích lũy được trong game để mua bất động sản ảo và phát triển theo sự sáng tạo của mình. Với 36km2 đầu tiên mua từ Linden Lab, cô chia thành những thửa vườn nhỏ hơn và đầu tư sửa sang, xây dựng nhà cửa cho các thành viên trong Second Life bán lại hoặc cho thuê với giá 100 - 120 đồng Liden mỗi tháng. Với số lợi nhuận thu được này, cô tiếp tục đầu tư vào những mảnh đất to hơn.

Tháng 2/2006, cô cùng chồng thành lập Công ty Anshe Chung Studios ở Vũ Hán. Đến nay công ty đã có hơn 80 nhân viên làm việc chuyên về dịch vụ mua bán, cho thuê bất động sản ảo. Không chỉ vậy, Anshe Chung Studios còn phát triển cả thế giới trò chơi, tạo ra cả đất đai, nội dung game và cộng đồng riêng trong Sencond Life. Không xem Second Life như một trò giải trí mà là công việc kinh doanh nghiêm túc, Ailin rất tích cực trong việc nghiên cứu thị trường, tìm ra những nét đặc trưng của các khách hàng ảo để kịp thời đáp ứng nhu cầu của họ. Trong khu vực đất đai, Ailin cho xây dựng một khu riêng biệt theo kiến trúc châu Á, có dân cư sinh sống, khu mua sắm, trung tâm giải trí… thậm chí có khu vực dành riêng cho người chơi game thuộc giới tính thứ ba.

Tháng 5/2006, hình ảnh Anshe Chung xuất hiện trên bìa tạp chí kinh doanh tiếng tăm nhất của Mỹ là Business Week, đánh dấu sự thành công của cô - trở thành triệu phú bất động sản đầu tiên của thế giới ảo. Một bài báo của CNN đã ví cô như một Rockerfeller của thế giới 3D. Ngoài bất động sản, giờ đây Anshe còn nắm giữ cả tiền mặt, cổ phiếu Linden, các trung tâm thương mại và hệ thống chuỗi siêu thị khổng lồ ảo. Tất cả đều được chứa đựng trong bộ nhớ của một chiếc máy tính cá nhân trong phòng làm việc của cô.

Năm 2007, thành công của Ailin đã vượt sang các thế giới MMORPs khác. Cùng với một nhân vật nổi tiếng khác trong game, Ailin đã xây dựng nên Virtual Worlds Academy - viện hàn lâm đầu tiên trong thế giới ảo. Viện được thiết kế để khuyến khích tính sáng tạo trong cộng đồng ảo bằng cách công nhận những thành tựu nghệ thuật, công nghệ, tài chính và văn hóa của những cá nhân xuất sắc trong các trò chơi online. Hoạt động đầu tiên của viện sẽ là trao Virtual World Award - Giải thưởng thế giới ảo cho những người tiên phong góp phần phát triển cộng đồng trong game. “Tổ chức của chúng tôi sẽ tạo ra niềm tin cho những người đi đầu trong thế giới trò chơi. Khi cuộc sống online ngày càng phát triển, chúng tôi thấy cần phải ghi lại lịch sử và tôn vinh những người đã khai phá ra cộng đồng này” - Ailin và người đồng sáng lập đã phát biểu như vậy.

Hiện Ailin cùng chồng đã nghỉ hẳn việc ngoài đời để có thể điều hành công ty riêng trên mạng. Ngoài công việc kinh doanh, Ailin sử dụng sự giàu có của mình từ thế giới ảo để giúp đỡ, hỗ trợ quỹ trẻ em nghèo trong thế giới thực tại các nước đang phát triển, mà điển hình là ở Philippines. Cô phát triển quỹ này thông qua các hoạt động dịch vụ, dạy học và thiết kế thời trang.

Các nhà khởi nghiệp đã rút ra những bài học từ kinh nghiệm thành công của Ailin Graef:

1. Sáng tạo: Không xem Second Life như một trò chơi giải trí đơn thuần, Ailin sử dụng trí tưởng tượng và óc sáng tạo tạo nên những vùng đất mơ ước trong thế giới 3D mà bất cứ người chơi nào cũng sẵn sàng bỏ tiền túi ra để sở hữu, từ đó cô tạo ra dòng thu nhập thực cho mình. Ngoài bất động sản, Anshe Chung Studios còn mở rộng sang các dự án thuộc lĩnh vực khác như giải trí, du lịch theo cách riêng của Ailin Graef và đều nhanh chóng gặt hái thành công.

2. Tìm và đáp ứng được nhu cầu khách hàng: Đối với nhiều người, game không chỉ là trò giải trí đơn thuần, mà là nơi để người ta bước vào một thế giới khác, thế giới thứ hai như tên gọi Second Life, nơi họ có thể bắt đầu tạo dựng một cuộc sống như ý muốn. Họ xây nhà, mở công ty, chăm sóc vật nuôi, gặp gỡ bạn bè, đến sòng bạc… Cũng như ngoài đời thực, cộng đồng game cũng có nhu cầu ăn ở, đi lại, mua sắm, giải trí rất lớn. Đó là lý do tại sao họ chịu bỏ tiền thật để mua nhà, tích cực làm việc để tạo dựng thế giới ảo của mình ngày một giàu có, tiện dụng hơn. Ailin đã thấy trước cơ hội và tạo ra được cả hệ thống kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày một tăng ấy.

3. Phát triển cộng đồng ảo: Không chỉ kinh doanh, Anshe Chung rất xem trọng việc nghiên cứu và phát triển cộng đồng online để vận dụng vào đời sống thực. “Hàng chục nghìn người coi thế giới ảo là nơi làm việc của họ. Họ vào Second Life để lao động, tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ cho nền kinh tế trong game. Những người khác còn tiến hành nghiên cứu, giáo dục, tư vấn, phát triển sản phẩm, tiếp thị... Rất nhiều bản quyền sáng chế, phần mềm, trí tuệ phát sinh từ Second Life đã được xuất khẩu ra ngoài cuộc sống thực” - đó là câu Ailin trả lời phỏng vấn báo The Age (Australia) về quan điểm của mình khi chọn con đường phát triển cuộc sống thực trong thế giới ảo.




Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Thần đồng kinh doanh và 'Chín bước từ tay trắng trở thành giàu có'



Thần đồng kinh doanh và 'Chín bước từ tay trắng trở thành giàu có'
Cả thế giới biết tên tuổi Farrah Gray, sinh năm 1984, vì chàng thanh niên da đen này đã gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực, từ thực phẩm cho tới phát thanh truyền hình, biểu diễn, nhà đất… Đã nhiều lần Farrah được Tổng thống Mỹ mời đến phát biểu tại Nhà Trắng.

Đó là một đứa bé 6 tuổi - nghĩa là còn ở cái tuổi làm nũng, thậm chí có thể vẫn còn tè dầm thì cậu đã biết diện com - lê, cà - vạt, xách ca - táp kèm danh thiếp “tổng giám đốc” để đi giao dịch kiếm tiền!
 
Cả thế giới biết tên tuổi Farrah Gray, sinh năm 1984, vì chàng thanh niên da đen này đã gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực, từ thực phẩm cho tới phát thanh truyền hình, biểu diễn, nhà đất… Đã nhiều lần Farrah được Tổng thống Mỹ mời đến phát biểu tại Nhà Trắng.

Thần đồng kinh doanh kiếm tiền vì thương mẹ


Nhân vật đặc biệt ấy sinh ra trong một gia đình thuộc hạng người “dưới đáy” xã hội Mỹ - da đen, thất nghiệp, không có bố, một mẹ nuôi 5 con!

Sáu mẹ con Farrah Gray sống nheo nhóc hoàn toàn dựa vào tiền trợ cấp xã hội ít ỏi. Họ trú ngụ trong một căn hộ chung cư dành cho người nghèo ở phía đông thành phố Chicago.

Farrah là út, cha mẹ cậu li dị ngay khi cậu vừa chào đời và ông bố vô dụng không trợ cấp gì cho lũ trẻ. Năm chú bé lên 6 tuổi, bà mẹ mắc bệnh tim rất nặng.

“Buổi tối, khi tôi lên giường thì mẹ còn đang làm việc. Sáng ra khi tôi ngủ dậy cũng thấy mẹ đang làm việc. Chẳng hiểu đêm qua mẹ có ngủ hay không”, Farrah kể.

Thấy mẹ ốm đau mà làm việc quần quật, cậu lo lắm và luôn luôn tự nhủ: “Mình nhất định phải làm gì đấy để giúp mẹ đỡ vất vả. Nhưng mới 6 tuổi thì mình biết làm gì? Ai dám thuê mình làm các việc lặt vặt (vì sợ phạm tội lạm dụng sức lao động trẻ em)”.

Sau nhiều ngày nghĩ ngợi, một ý nghĩ nảy ra trong đầu óc thơ ngây của Farrah: “Đi bán… những hòn đá!”. Cậu ra đường nhặt những hòn đá đủ mọi hình thù, đem về rửa sạch, rồi vẽ lên đấy các hình vẽ tự nghĩ ra.

Farrah còn làm lấy những tấm danh thiếp trên viết mấy chữ “Tổng Giám đốc”. Mẹ không có tiền mua ca-táp, cậu dùng hộp cơm bằng nhựa màu đỏ thay thế. Rồi Farrah diện com-lê, thắt chiếc cà-vạt mượn của anh ruột, sau đó xách túi đá và “ca-tap” đi gõ cửa từng nhà trong khu phố.

Farrah kể: "Khi chủ nhà mở cửa, tôi bèn mỉm cười bắt tay họ, chìa danh thiếp, nói: "Hello! My name is Farrah Gray. Would you like to buy this rock? It can be used as paper weights, bookends and doorstopers (Xin chào ông bà! Cháu là Farrah Gray. Ông bà có thể vui lòng mua giúp cháu viên đá này được không ạ? Nó có thể dùng làm cái chặn giấy, chặn sách và chặn cửa được đấy ạ.).

Mọi người ngơ ngác cười: "Ồ, những hòn đá này đầy ngoài đường, nếu cần thì nhặt về dùng, cớ gì phải bỏ tiền ra mua nhỉ?’ Tôi lại nói: ‘Nhưng bây giờ chúng đã khác trước nhiều rồi ạ, xin ông bà xem đây...".

Vì thương thằng bé lém lỉnh mà có người vui lòng mua thứ “hàng” vô dụng ấy với giá 1,5 đô-la một hòn. Nhờ thế Farrah kiếm được những đồng đô-la đầu tiên.

Tiếp đó chú nhóc lại có sáng kiến mua các loại sữa tắm khác nhau đem về hòa lại thành một loại mỹ phẩm có mùi vị mới lạ rồi lóc cóc mang tới gõ cửa từng nhà bán với giá 1,5 đô-la một chai.

Sau hai lần làm như vậy, Farrah kiếm được 50 đô-la. “Mẹ ơi, tối nay con mời mẹ đi ăn nhà hàng nhé!”, bà Paula Gray vô cùng ngạc nhiên thấy cậu con út 6 tuổi nói với mình như vậy.
 
Sau hai năm mò mẫm trên thương trường, Farrah kiếm được 1.500 đô-la. Từ năm lên 7 tuổi, Farrah bắt đầu sử dụng tấm danh thiếp in dòng chữ “Tổng Giám đốc thế kỷ 21”.

Bà ngoại Farrah kể: “Mới có 6 tuổi mà khi đi làm chuyện mua bán, thằng bé trông người lớn lắm! Nó diễn thuyết như một diễn giả thực thụ, yêu cầu mọi người phải im lặng nghe nó nói, thế có ghê không”.




8 tuổi lập công ty đầu tư
Năm 1992, Farrah cùng các bạn hàng xóm lập công ty đầu tư, lấy cái tên rất oách là Câu lạc bộ Kinh tế doanh nghiệp ngoại đô (Urban Neighborhood Enterprise Economic Club, UNEEC) ở vùng Nam Chicago. Farrah đề nghị các chủ hiệu buôn trong khu phố góp tiền, cho mượn ô tô đi lại và nơi họp Câu lạc bộ.

Farrah kể: “Lúc đầu tôi luôn bị người ta từ chối, cứ thấy bóng tôi là họ đóng cửa. Tôi bèn áp dụng Chính sách 5 người (Five-person Policy) và nhờ thế lũ nhóc chúng tôi góp được 15 nghìn đô-la. Chính sách ấy là thế này: Nếu ông bà từ chối thì xin ông bà giới thiệu cho cháu 5 người khác có thể giúp cháu”.

Với số tiền ấy, Farrah lập công ty tiêu thụ bánh quy và tặng phẩm. UNEEC trở thành tiền thân của công ty NE2W do Farrah đứng đầu, đặt văn phòng tại phố Wall, trung tâm tiền tệ lớn nhất thế giới. Xưa nay phố này chưa có chủ văn phòng nào trẻ như Farrah.

12 tuổi trở thành diễn giả tài ba

Năm 1993, bà Paula Gray bốc cả gia đình tới Las Vegas. Tài kinh doanh của chú nhóc Farrah được địa phương này quan tâm. Một đài phát thanh địa phương phỏng vấn chú bé.

Thấy Farrah nói rất hấp dẫn, họ bèn mời cậu chủ trì chương trình phát thanh tối thứ bảy hàng tuần có tên “Đằng sau sân khấu” (Backstage Live) thu hút tới 12 triệu người nghe, sau đó trở thành chương trình phát thanh - truyền hình của Las Vegas rồi tiến tới của toàn nước Mỹ.

12 tuổi Farrah đã tỏ ra là một MC ngôi sao rất có cá tính và năng nổ, hơn cả nhiều người dẫn chương trình khác. Các đài truyền hình, phát thanh và báo chí tranh nhau mời cậu đi nói chuyện hoặc dẫn các show.

Mỗi buổi diễn thuyết của Farrah được trả từ 5000 đến 10.000 đô-la. Farrah còn tham gia kinh doanh thẻ điện thoại trả trước KIDZTEL, vận chuyển thư tín One Stop Mail Boxes & More, phụ trách chương trình phát thanh Youth AM/FM.

Farrah kể: “Điện thoại của tôi suốt ngày réo chuông. Người ta hỏi tôi lập CLB đầu tư đầu tiên của mình ra sao, do đâu mà trở thành MC giỏi thế. Họ đề nghị: “Cháu hãy đến kể lại cho mọi người nghe về thành công của cháu đi. Có một tấm séc đang chờ cháu đấy!”.

Hàng chục đài phát thanh và truyền hình địa phương và trung ương mời Farrah dự các show của họ. Cậu trở nên nổi tiếng khắp nước.
 

14 tuổi kiếm được triệu đô-la

Farrah thường hay vào bếp xem bà làm các món ăn và học cách làm. Từ đó cậu nảy ra ý nghĩ lập công ty thực phẩm. Đó là công ty Farr-Out Foods do Farrah lập ra năm cậu 13 tuổi, chuyên cung cấp các món ăn khoái khẩu cho lũ trẻ con.

Farrah kể: “Tôi vừa đọc sách hướng dẫn kinh doanh vừa mày mò điều hành việc kinh doanh của công ty”. Không ngờ công ty có rất nhiều đơn đặt hàng, nhất là sau khi đưa ra món xi-rô dâu pha va-ni rất thơm ngon, chế biến theo công thức của bà ngoại Farrah.

Dựa vào Farr-Out Foods cùng các khoản kinh doanh khác, Farrah có thu nhập 1 triệu đô-la khi cậu sang tuổi 14, trở thành nhà triệu phú tự tay làm nên, tức “Reallionaire”. Cậu bé tậu cho mẹ một căn nhà rộng rãi lịch sự tại thành phố Las Vegas nổi tiếng thế giới về các trò ăn chơi xa hoa.

Sau hai năm hoạt động, Farrah bán công ty Farr-Out Foods được 1,5 triệu đô-la. Không thỏa mãn với những gì đạt được, Farrah 15 tuổi tiếp tục nâng cao kiến thức kinh doanh bằng cách bỏ ra ba năm tham gia ban Giám đốc công ty United Way miền Nam bang Nevada và trở thành người trẻ nhất trong lịch sử bang này khi tham gia Ban Cố vấn Phòng Thương mại Las Vegas.

Cậu cũng là thành viên trẻ nhất của “Hội nghị Bàn tròn ban lãnh đạo người Mỹ gốc Phi” do Tổng thống G. Bush lập ra. Farrah là Chủ nhiệm Văn phòng Nhà Trắng của tổ chức “Sáng kiến tập thể niềm tin”, là phát ngôn viên của “Liên minh toàn quốc người vô gia cư” và “Chương trình hiến tủy toàn quốc” cùng nhiều hoạt động xã hội khác.
Farrah đầu tư vào tập đoàn truyền thông InnerCity - doanh nghiệp lớn nhất do người da đen lãnh đạo ở Mỹ và phụ trách tờ tạp chí cùng tên của doanh nghiệp ấy.
 

20 tuổi - chia sẻ kinh nghiệm thành công

Năm 2004, tác phẩm đầu tay của Farrah ra đời: Chín bước từ tay trắng trở thành giàu có (Reallionaire: Nine Steps to Becoming Rich from the Inside Out). Cuốn sách này được tổ chức Giải thưởng Quill NBC đề cử tặng thưởng cho thể loại sách tự tu thân và là sách bán chạy năm ấy.

Trong sách, anh kể lại cho mọi người biết các kinh nghiệm trên con đường làm giàu: - yêu quý thanh danh của mình; - không bao giờ sợ sự khước từ của người khác; - xây dựng nhóm tư vấn của mình; - nắm bắt mọi dịp làm ăn, chớ bỏ qua; - theo trào lưu của thiên hạ nhưng phải có mục tiêu riêng; - chuẩn bị sẵn về tâm lý chờ đón thất bại; - chịu khó bỏ thời gian vào học tập, đọc sách báo; - yêu quý khách hàng của mình...

Farrah Gray nói cậu tin vào hai thời điểm quan trọng nhất trong đời người, một là giờ sinh của mình và một là khi nào hiểu được “vì sao mình lại sinh ra”.

Tuy còn trẻ nhưng Farrah đã hiểu rõ nghĩa vụ đối với xã hội của một doanh nhân thành đạt. Anh góp ý cho Bộ Thương mại Mỹ lập trường đào tạo doanh nhân trẻ.

Anh lập Quỹ Farrah Gray để giúp vốn cho các doanh nhân trẻ dưới 25 tuổi và quyên góp vào đấy tất cả số tiền nhuận bút cuốn sách của mình.

Farrah còn viết cho thể loại sách “Chicken Soup for the African-American Soul”, một xê-ri sách giáo dục thiếu niên rất được ưa đọc ở Mỹ. Do có ý thức tập thể cao như vậy nên Farrah được báo chí gọi là “Một trong những doanh nhân đáng kính và hiếm thấy”.

Tiểu sử Farrah Gray được ghi trong Sách Danh Nhân Mỹ năm 2005 (Who’s Who in America 2005), tức danh sách những người nổi tiếng và thành đạt của nước Mỹ năm 2005…

Theo TVN