Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Nổi tiếng là... Sống ở trong óc người khác

Hỏi: Người ta thích sống ở đâu nhất? Văn hào Dostoievski đã đặt câu hỏi như vậy và ông: Trả lời: Người ta thích sống trong tim, trong óc người khác!

Đúng vậy không?
Chẳng lẽ có ai chỉ mình biết mình cũng làm thành nổi tiếng? Chắc chắn không! Một nghìn lần không! Người nổi tiếng ở phạm vi xã phải là cả xã biết, người nổi tiếng ở tổng- thì tổng biết, người nổi tiếng quốc gia- thì quốc gia biết, người nổi tiếng thế giới - thì tên tuổi người đó phả lao qua nhiều biên giới chinh phục và thả neo trong con tim và khối óc của nhiều sắc tộc.

Còn gì xót xa cay đắng hơn nếu không được sống trong trái tim người khác! Trên thế giới có đến hơn 90% các vụ tự tửvì tình chỉ vì một lẽ: không được cư trú trong trái tim của ai đó để đóng cọc cho chiềc lều vàng của tình yêu. Khi đó người ta cảm thấy bị ruồng rẫy, bị hắt hủi, bị thừa ra khỏi trái tim người khác. Trời ơi, còn gì đau khổ hơn khi bị thừa mứa ra như một thể xác bị thịt cồng kềnh đến mức chẳng còn bất cứ cơ hội nào lách qua khe cửa của trái tim người, với mặc cảm chua xót đó kẻ thất tình liền tìm đến cái chết, để chấm dứt sự ứ thừa vô nghĩa của mình. 


Ở đời người ta thấy rất nhiều người lành lặn quyên sinh, nhưng thấy không ít những đôi chân cà nhắc đang nhấp nhổm kéo lê những điệu vũ hoan hỉ. Tại sao vậy? Vì những đôi chân lành lặn kia đang bị đuổi ra khỏi trái tim của người yêu; còn những đôi chân thọt dẫu đi cà nhắc vẫn đang được nhảy nhót trong trái tim của tình yêu. Đó không phải là hình ảnh hiếm thấy, mà sau Đại chiến thế giới hai, rất nhiều thương binh trở về cùng chiếc nạng đã đánh bạt các anh chàng lành lặn ở quê hương. Các cô gái ùa ra với họ như ùa đón một con người trọng đại, con người đã tắm bao biến cố sinh tử trở về, và chính chàng mới có nhiều chuyện đáng nói – đáng kể, chứ không phải mấy anh trai làng chẳng có gì thay đổi ở quê hương.
Sống trong trái tim của một người đã hạnh phúc, vậy thì sống trong trái tim muôn người sẽ hạnh phúc thế nào? Trời ơi đó là cảm xúc ngây ngất tột đỉnh sánh ngang thần thánh. 

Chúng ta thử hình dung, có một người yêu ta:
Nhớ ai con mắt lim dim
Chân đi thất thểu nhưchim tha mồi
Nhớ ai hết đứng lại ngồi
Ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân.

Ăn, uống, đứng, ngồi không yên vì nhớ ta; vậy thì có cả vạn, cả triệu người yêu ta sẽ hạnh phúc bút nào tả xiết! Trời ơi, dù ở đâu, bàn tiệc, vườn hoa, trên xe lửa hay máy bay, chỉ cần có vài ba người, là lưỡi họ đã tung hứng tên tuổi ta thành một bài ca không dứt. họ ca tụng, họ tranh luận, rồi họ bắn pháo thăng thiên chào mừng danh tính của ta. Rồi tất cả lại rơi vào im lặng, tên tuổi ta thiếp ngủ ư, không lúc đó nó lại như những cơn sóng cồn đang cuốn qua nhịp tim của họ, như thể chẳng hề ngoa chút nào, theo con số mà các nhà nghiên cứu nữ diễn viên điện ảnh Marelyne Monroe. thì sau cái chết của Mônroe, đã có hàng ngàn người tự tử theo.
Được sống trong trái tim của người khác ắt hẳn là một niềm hạnh phúc lớn rồi, nhưng đó mới chỉ là tình cảm, mà như người Việt dạy:
Yêu nhau củ ấu cũng tròn
Ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông.

'Tình yêu là vậy, đặc điểm lớn nhất của tình yêu là biến mọi cái xấu trở thành cái tốt, đến mức củ ấu xù xì như vậy cũng thành hình tròn; ngược lại lúc đã ghét nhau thì quả bồ hòn cũng phải thành vuông. Và chính Napoleon chứ không phải ai khác khi nhìn thấy đám đông reo hò tưng hô mình, đã nói với các cận thần đi bên cạnh rằng: “Đến ngày ta bị treo cổ họ cũng reo hò tung hô như vậy!". Cư trú trong tim người khác vươn đến cư trú trong óc là một cuộc nhảy vọt rất lớn về đẳng cấp. Bởi lẽ, để chinh phục được khối óc người ta phải tiến hành những giá tri theo những thước đo nhất định, và một khi trí óc đã chấp nhận thước đo đó, nó sẽ đổ khuôn bất dịch. Trí óc đã mở cửa, thì không dễ có chuyện, hôm nay thế này, ngày mai thế khác. Chinh phục nhận thức đã và đang là vấn đề thời sự của nền sáng tạo văn học và nghệ thuật nước nhà, có rất nhiều ngôi sao nổi tiếng mọc lên, nhưng do không được lý trí phán xét thẩm định, nên có nhiều tài năng như những bông hoa sớm nở tối tàn, chưa đầy vài năm nổi tiếng, cả dư âm, cả sức sáng tạo đã cạn kiệt, đến mức có thể ví, đó là những măng non đóng hộp xuất khẩu, sau không thể lớn thành tre được. Đó vừa là vấn nạn, vừa là nguyên lý, vừa là giá trị của sáng tạo chỉ cẩu mong vào cảm xúc (mà cảm xúc thì luôn dễ đổi thay), chứ không phải là sáng tạo của tinh thần. Triết gia Đi- đơ- rô đã phân cấp rõ ràng đẳng cấp của tình cảm và tinh thần, của trái tim và khối óc ông viết: "Tính chất tình cảm không phải thuộc tính của thiên tài... không phải trái tim mà cái đầu điều khiển tất cả. Con người theo tình cảm bỏ mất cái đầu ấy trước sự bất ngờ nhỏ nhất; không bao giờ hắn trở thành một ông vua vĩ đại, một ông tướng vĩ đại, một thầy thuốc vĩ đại Hãy chất đầy rạp hát những kẻ sướt mướt ấy, nhưng đừng có cho một kẻ nào trong số đó bước lên sân khấu” (Lịch sử sân khấu thế giới, tr.261).

Làm sao chinh phục tinh thần người khác để cắm dùi tên tuổi mình chắc chắn giữa hàng rào của những thước đo? Người Việt có câu:
Có vất vả mới thanh nhàn
Không dưng ai dễ cầm tàn che cho
Và cũng có câu:
Thế gian chuộng của chuộng công
Nào ai có chuộng người không bao giờ

Được mọi người một trọng vọng chí ít phải được việc gì cho xã, được một tỉnh trọng thì phải làm việc ở cỡ tỉnh, rồi quốc gia hay thế giới cũng vậy. Triết gia Kant nói rằng, người ta chỉ được trọng vọng ngang với những gì người ta hiến dâng cho người khác. Ở đời, chưa từng có ai được trọng vọng suông, nghĩa là, chẳng hiến gì cho đời mà cũng được trọng vọng. Hãy xem, Đức Phật Thích Ca được thế gian trọng, là bởi, Ngài từ bỏ tất cả từ cung điện vàng son, vợ đẹp con khôn, cùng vô vàn tì thiếp, băng mình vào các ngả đường gió bụi, đi tìm hành trình cứu rỗi cho chúng sinh lầm than. Và chúa Jesus, chịu đóng đinh vào thập giá để tuyên ngôn về công cuộc cứu chuộc con người . Hay Socrate hân hoan uống bát thuốc độc của bất công để chứng tỏ khát vọng công bằng của loài người là bách thắng...

Từ hiện thực đến các ngả đường của lý thuyết đều chứng tỏ, cách người ta hiến dâng cho cuộc đời là cách mãnh liệt- tốt đẹp nhất để đi vào tinh thẩn của người khác.

Dâng hiến cho đời có phải là bài học rất khó thực hiện? Và còn khó hơn khi người ta tự hỏi: như vậy là thiệt thân hay lợi thân? Tất nhiên câu trả lời về đạo đức đã có tự nghìn xưa: "ích kỷ hại tha” không thể nào sánh được với “vong kỷ hiến tha".

Nhưng đạo đức là phải cố gắng - lên gân hay đó chính là con đường của tự nhiên? Các nhà sinh học phát hiện rằng, ở những hòn đảo hoang sơ, những cây cối nào ra nhiều hoa thơm trái ngọt (như cây ổi chẳng hạn), mời mọc chim trời đến ăn, và càng nhiều chim đến ăn, chúng càng mang hạt giống đi gieo vãi, kết quả cây đó càng mọc lên thành rừng ở khắp nơi. Đúng là càng đem cho - càng mọc thành rừng - và càng có nhiều lên.

Các nhà thần học phát hiện rằng, không một ai có thể trở thành thiên tài mà không nhờ những giờ phút "XUẤT THẦN”. Vậy xuất thần là gì? Tức, đó là giờ phút thăng hoa, con người bước khỏi bản thân mình, nhảy khỏi bản thân mình, thậm chí bay vọt siêu việt khỏi bản thân mình rất nhiều lần. Và người ta cũng so sánh và phân tích, giây phút cực lạc của ái tình (giây phút. mà người Ấn Độ cho rằng đồng bản tính với cõi cực lạc của Thiên Đường) để đạt được khoảnh khắc cực điểm đó, người đàn ông phải "xuất dương" và người đàn bà phải "đều kỳ", nghĩa là cả hai đều phải "xuất thân", và “vong thân" để đạt tới niềm vui ngây ngất đó.

Nhà phân tâm học nổi tiếng thế giới Freud gọi đó là giây phút “chiết tỉa sự sống”, như cành chiết tỉa khỏi cây, người ta phải trao ban chính một phần sự sống của mình để đạt tới niềm hân hoan tột độ. Vậy thì. hãy thử so sánh, niềm vui tích cóp vơ vào mình trong nhiều ngày tháng để đổi lấy giây phút hiến dâng cực lạc, thấy rằng, niềm vui tích cóp vị kỷ chẳng thấm tháp gì so với niềm vui giải phóng hiến dâng.

Những bằng chứng như vậy đã quá rõ để nói rằng, để chinh phục tinh thần của thiên hạ thì chẳng còn cách nào hơn là hiến dâng tinh thần. Chúng ta hãy nghe Bertold Brecht quả quyết "Làm sao nghệ thuật có thể kích động được con người, khi bản thân nó không chịu để số phận của con người kích động? Nếu tôi thờ ơ trước nỗi khổ của họ, thì sao có thể đòi trái tim họ nồng nhiệt với tác phẩm của tôi? Và nếu tôi không cố gắng tìm cho họ một con đường ra khỏi nỗi khổ thì sao lại đòi họ phải tìm một con đường đến với tác phẩm của tôi".

Người Việt nói một cách giản dị: "Có đi có lại mới toại lòng nhau".

Nếu muốn nhận thư chắc hẳn ta phải viết thư! Nếu muốn sống trong tim người khác chắc hẳn ta cũng phải dùng tim ta làm đất cư trú cho người! Và không thể nào khác được nếu muốn sống trong tinh thần của người khác chính tinh thần ta phải được hiến dâng làm không gian sống cho người. Ai càng hiến dâng cho đời thì càng được đời mở cửa đón mời bước vào thế giới của tinh thần, đó hắn phải là một trong những nguyên lý nhân quả chắc chắn nhất thế gian này!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét